Cuộc sống đang không ngừng chuyển động, dạy học nói chung và dạy học trải nghiệm nói riêng đã không còn là phương pháp quá xa lạ trong việc định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Theo mục tiêu giáo dục hiện đại, năng lực để mỗi con người bước vào đời không chỉ bó hẹp ở kỹ năng ghi nhớ, tích lũy các kiến thức từ sách vở mà còn trải nghiệm thực tế, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để phần nào có những trải nghiệm chân thật, thú vị nhằm hiểu sâu hơn những kiến thức đã được học từ sách vở. Chính vì thế, với vai trò là những nhà giáo dục tiên phong, đội ngũ giáo viên kết hợp với Đoàn trường THCS & THPT Lê Lợi đã chủ động thiết kế hoạt động cũng như hướng dẫn cho học sinh tham gia các buổi tham quan – trải nghiệm với tinh thần “Học để biết, đi để hiểu”.

Với mục tiêu phát triển năng lực làm cho hoạt động trải nghiệm thành đường đi có đích. Người xưa có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cái “khôn” chính là sự hiểu biết về kiến thức, thấu cảm về những điều thiêng liêng, quý giá để hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình và chủ động hội nhập quốc tế. Đó là những thu nhận không thể có nếu chỉ nghe nói, xem qua phim ảnh. Chính vì lẽ đó, trường THCS & THPT Lê Lợi đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới nhằm thúc đẩy chất lượng học tập để đào tạo nên những con người năng động. Song nếu chỉ dừng ở tính thực tế của “giờ học thực tế” thì chưa đủ. Trải nghiệm sáng tạo khác với trải nghiệm đơn thuần.Vì trong đó cần hiệu quả sáng tạo của việc tổ chức đi và thu kết quả khi về.

Sau đây là một số hoạt động tham quan – trải nghiệm do nhà trường tổ chức gần đây:
Bảo tàng Bình Thuận: Đến với khu di tích bảo tàng Bình Thuận, các em học sinh trường THCS & THPT Lê Lợi không ngăn nổi sự hồ hởi, phấn khởi, chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh về 7 chuyên đề hiện vật, cổ vật, một số di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, lễ hội, lễ nghi tiêu biểu hiện đang trưng bày tại bảo tàng.

Đến với bảo tàng, các em được tiếp cận trực quan các di vật, hiện vật một cách sinh động, cảm nhận được giá trị của hiện vật trưng bày có niên đại trên nghìn năm tuổi thuộc văn hoá thời kỳ đồ đá, thời kỳ kim khí như: cuốc đá, dao đá, rìu đá, rìu đồng, mũi lao, mũi giáo, các sưu tập trang sức cổ... Đặc biệt là 2 bộ đàn đá cổ thuộc văn hoá Đa Kai và văn hóa Sa Huỳnh; tiếp đến là gian trưng bày văn hóa Chăm; văn hóa các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với nhiều hiện vật, lễ hội đặc sắc của từng tộc người; các bộ sưu tập cổ vật tàu đắm phát hiện tại hai vùng biền Bình Thuận và Cà Mau. Điều đặc biệt là các em rất thích thú, háo hức, tò mò khi được tham quan chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo và sử dụng trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, đây là chiến lợi phẩm của quân dân ta thu được trong một trận đánh lớn ở sân bay Đà Nẵng từ ngày 26/3 đến ngày 29/3/1975.


Khu di tích Poshainư – Bình Thuận: Tại đây, các em học sinh được tham quan, quan sát và tìm hiểu cụ thể về đặc điểm kiến trúc xây dựng của người Chăm với thiết kế của những ngôi tháp tại khu di tích. Điều quan trọng, là các em đã thu nhận thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua những thông tin về mục đích xây dựng ngôi đền:
+ Khoảng cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ IX đền được xây dụng nhằm thờ thần Shiva – vị thần Ấn Độ giáo được sung bái và tôn kính.
+ Đến thế kỉ XV xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Poshainư. Công chúa Poshainư (con vua Para Chanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.





Vườn nấm và vườn rau thủy canh: “Một ngày làm nông dân” có lẽ là một trong những trải nghiệm ấn tượng và giá trị nhất đối với các em học sinh trường THCS & THPT Lê Lợi. Bởi lẽ, đến với hai địa điểm này, các em không chỉ được nghe cô, chú giới thiệu thông tin về vườn; cung cấp kiến thức về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc mà còn được tận mắt quan sát quy trình gieo trồng rau sạch đầy khoa học và hiện đại mà trước giờ các em chỉ được nghe qua lời giảng của thầy, cô trên lớp trong bộ môn Sinh học – Công nghệ.

Bên cạnh đó, việc tự tay trải nghiệm cảm giác thu hoạch nấm, rau quả tại vườn mang lại cho các em niềm vui sảng khoái khi được hóa thân làm một người nông dân thực thụ và đâu đó có chút tự. Hoạt động tham quan – trải nghiệm tại vườn nấm và vườn thủy canh như một cơ hội để các em kiểm chứng, đánh giá những kiến thức mà trước đó mình chỉ được học thông qua sách vở, được trải nghiệm với vai trò người nông dân để phần nào hiểu được nỗi vất vả cả về công sức lẫn tinh thần mà họ đã trải qua để tạo ra những thực phẩm đạt chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Từ những nhận thức được đánh thức ấy, các em sẽ hình thành cho mình một lối sống tiết kiệm, biết ơn và trân quý những người đã âm thầm tạo ra những sản phẩm nhằm phục vụ và duy trì đời sống con người.

Không chỉ thiết kế và tạo sân chơi cho các em học sinh trải nghiệm, đội ngũ giáo viên trường THCS & THPT Lê Lợi còn đồng hành trải nghiệm cùng các em như những người cộng sự đắc lực với khát khao ươm mầm trải nghiệm, gặt hái kỹ năng. Chắc chắn làm thầy “dạy trải nghiệm” sẽ khổ hơn thầy “dạy bình thường” nhưng với tình yêu thương những cô, cậu học trò nhỏ cùng trái tim nhiệt huyết với nghề giáo, đội ngũ cán bộ – giáo viên – nhân viên trường THCS & THPT Lê Lợi luôn tìm cách để học trò của mình có được những trải nghiệm thực tế nhằm phát triển tư duy đào sâu phân tích, lí giải khoa học và nâng cấp được tầng nhận thức của cá nhân.
Từ những điều đã được mắt thấy tai nghe, các em học sinh tiếp tục được khơi nguồn để đầu nghĩ và tay làm, nhằm tạo nên các sản phẩm học tập sáng tạo góp phần xây dựng nền móng sơ khởi cho tương lai sau này của chính các em.
