Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Số vụ tai nạn không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Song song đó, số người chết vì tai nạn giao thông cũng tăng theo từng ngày, từng giờ đến mức báo động. Theo thống kê của Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết 4 tháng đầu năm 2020 toàn quốc đã xảy ra hơn 4.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.138 người.
Vậy trước thực trạng đáng báo động ấy, chúng ta – những thế hệ trẻ phải suy nghĩ và hành động như thế nào để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến mọi người góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Như chúng ta đã thấy, tai nạn giao thông luôn để lại những hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời và thậm chí là mất mạng. Không dừng lại ở đó, những hệ lụy về tổn thương tinh thần, đau thương, mất mát cũng luôn bám lấy và ám ảnh đối với những người thân và toàn xã hội. Vậy nguyên nhân nào khiến các vụ tai nạn giao thông liên tục xảy ra?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết mỗi chúng ta hãy nhìn nhận về thưc tế xã hội hiện nay: hàng loạt những phương tiện tham gia giao thông không đạt chuẩn về chất lượng máy móc cũng như các trang thiết bị báo hiệu được trang bị trên xe cũng bị chủ nhân tinh giảm như kính chiếu hậu, đèn xi-nhan,… Chính vì lẽ đó, khi tham gia giao thông với các tình huống sang đường hay chuyển làn đường thường rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, việc người dân tham gia giao thông mà không hiểu về luật, thậm chí hiểu nhưng vẫn xem thường và vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, lái xe khi đã uống rượu, bia,…cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, cũng không loại trừ lí do xuất phát từ tâm lí đám đông như vài người vượt đèn đỏ thì tất cả đều vượt đèn đỏ hay “một người sai luật nhưng không để lại hậu quả thì mình có sai luật cũng chẳng sao” và đó lại là một nguyên nhân nữa dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.
Xét thấy, ngay cả bộ phận học sinh, sinh viên – những người đã được trang bị đầy đủ kiến thức về luật giao thông nhưng vẫn nghiễm nhiêm vi phạm vì lối mòn tư duy tiêu cực rằng “người lớn không làm gương thì chúng mình cũng không thực hiện”.
Điều đó phần nào phản ánh được nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về luật an toàn giao thông. Đồng thời, ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn rất thấp, dù biết là sai, là sẽ nguy hiểm nhưng họ vẫn vô tư và ngang nhiên bất chấp luật lệ giao thông mà đùa giỡn với tính mạng của chính mình và người khác.
Chính vì lẽ đó, ngay từ lúc này, mỗi chúng ta khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường hãy luôn tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn trường tổ chức để tuyên truyền luật An toàn giao thông cho mọi người, gia đình, bạn bè chấp hành nghiêm luật giao thông như đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường quy định; tham gia giao thông đúng tốc độ cho phép; không lạng lách đánh võng, không chở quá số người quy định, không lái xe khi đã uống bia, rượu,…
Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Vấn đề này không phải là trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức hay cá nhân riêng lẻ nào mà là của chung toàn thể xã hội, cần được ý thức rõ ràng và song hành cùng với những hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội để giảm thiểu tối đa các hậu quả mà tai nạn giao thông để lại nhằm xây dựng một xã hội an toàn – bền vững.