Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn rất phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Số liệu này ngày càng gia tăng, khiến bạo lực học đường trở thành vấn nạn chung của giáo dục quốc tế.
Tại Việt Nam, bạo lực học đường đã trở thành mối bận tâm của nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Theo số liệu thống kê, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc phải thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì lại có một trường có học sinh đánh nhau. Vậy bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường được hiểu là một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính, trong đó hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đến cảm giác tuyệt vọng và hụt hẫng, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói như vu khống, chỉ trích, đe dọa hay bằng hành vi như đánh đập và bằng cả thái độ là ánh mắt thù địch.
Xét thấy, không ít những vụ bạo lực học đường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Nhẹ nhàng có thể là những vết bầm tím nhưng cũng có thể là những thương tích nặng phải nhập viện để điều trị. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng hầu hết các vụ bạo lực học đường đối với đối tượng từ 12 – 17 tuổi đều có nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân học sinh. Bởi lẽ, đây là giai đoạn chuyển biến về mặt tâm lý với một cái tôi cá nhân rất lớn nhưng lại không biết sử dụng đúng cách. Đồng thời, những tác động, những kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau liên tiếp xảy ra trong trường học. Bên cạnh đó, giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực học đường hiện nay. Song song đó, sự giáo dục chưa đúng đắn từ phía gia đình như ba mẹ thường nặng lời quát tháo, đánh đập con cái hay việc ba mẹ thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã và thậm chí là đánh nhau trước mặt con cái cũng là tác nhân gây nên bạo lực học đường. Ngoài ra, không thể không kể đến một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay là do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực như kiếm, súng, các hình ảnh mang tích bạo lực được phát tán công khai trên mạng xã hội, …
Độ tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách nên chỉ cần một tác động xấu từ phía gia đình và xã hội cũng có thể gây nên những tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường không ngừng xảy ra.
Đứng trước thực trạng đáng báo động ấy, nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh cũng như chính quyền địa phương để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực. Đồng thời, cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên nhận thức và điều chỉnh sự giáo dục cho phù hợp, góp phần tạo môi trường phát triển nhân cách tốt đẹp cho con cái.
Song song đó, với vai trò là những cô, cậu học sinh của trường THCS – THPT Lê Lợi, các em nên chủ động tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Đồng thời, tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. Bên cạnh đó, các em cũng nên tích cực tham gia các lớp học hay các chuyên đề sinh hoạt Kỹ năng sống do Đoàn trường phối hợp với nhà truường tổ chức nhằm trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng quản lý cảm xúc, điều chỉnh hành vi bản thân cho phù hợp với tình huống giao tiếp để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường nhằm xây dựng lối sống văn minh – con người thân thiện.