Thuốc lá – một vấn đề chưa bao giờ ngừng nóng trên các diễn đàn tuyên truyền bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Thực trạng này đang diễn ra rất phổ biến không chỉ ở người lớn mà cả trong giới trẻ. Đặc biệt là làn khói thuốc lá đã len lỏi vào môi trường học đường và ngày càng gia tăng số lượng học sinh – sinh viên sử dụng thuốc lá đến mức báo động.
Chắc hẳn ai cũng hiểu rằng, khói thuốc lá có nhiều chất độc hại gây nên các bệnh ung thư. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hút thường thở ra hai luồng khói chính và phụ. Và 20% khói thuốc bị hút vào trong luồng chính, 80% còn lại được gọi là luồng phụ, nảy sinh giữa những lần hít vào và khi tắt thuốc. Luồng khói chính nảy sinh 950 0 C và khói phụ 500 0 C; luồng khói phụ thường tỏa ra nhiều chất độc hại hơn. Khói thuốc cấu tạo từ hỗn hợp khí và bụi. Theo tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), trong khói thuốc có khoảng 7000 chất hóa học, trong đó có 60 chất được xếp vào loại gây ung thư, gồm những chất như nicotin, mônôxít cacbon, fomanđêhít, amoniac, axeton, asen, xyanua hiđrô,… ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá cao gấp ba bốn lần so với số người chết do tai nạn giao thông. Một điều tra gần đây cho thấy, trên 50% nam giới hút thuốc lá và khoảng 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13 – 15 đã tiếp xúc với thuốc lá tại nhà. Có 44 % nam sinh và 12 % nữ sinh bậc THPT có thói quen hút thuốc. Vậy tại sao ngày càng nhiều người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên dù biết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng của khói thuốc lá để lại?
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan để lý giải hay biện minh cho vấn đề ấy. Trước hết là do tính chất của việc hút thuốc không gây ra cái chết đột ngột như tai nạn giao thông; không gây bàng hoàng, lo sợ, mặc cảm đến mức ám ảnh như người phát hiện ra mình bị nhiễm HIV/AIDS. Do đó, người hút thuốc lá vẫn dửng dưng, vì hơn 7000 chất độc không hiện hữu trước mắt họ. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh – sinh viên ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi” hoặc do ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Hay cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện nhưng lại dần dần trở thành thói quen không bỏ được.
Các em rất dễ dàng mua thuốc lá ở bất cứ chỗ nào tại các thành thị, vùng nông thôn. Vì hệ thống bán hàng và phân phối sản phẩm, đặc biệt là việc bán lẻ ở các quán cà phê, các tiệm và các tủ thuốc lá ở ven đường ngày càng phổ biến. Ngoài ra, pháp luật chỉ buộc nhà sản xuất phải ghi dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ”, “Hút thuốc lá có thể dẫn đến bệnh ung thư” lên bao thuốc, chứ pháp luật chưa có quy định về độ tuổi bao nhiêu mới được mua thuốc lá và người bán cũng không có trách nhiệm từ chối việc bán thuốc cho đối tượng là học sinh. Chính vì thế, để mua được thuốc lá đối với các em là không khó.
Đốt thuốc, cũng chính là đốt tương lai, sức khoẻ của các em. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó khoa lao và bệnh phổi – Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội cho biết: “Trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính hay người ta còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được”. Chính vì lẽ đó, về phía gia đình cần phối hợp với nhà trường để thường xuyên quan tâm, quản lý chặt trong sinh hoạt hàng ngày của con cái về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Đồng thời, cần đưa nội dung tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá vào trường học và xem đây là công tác trọng tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá.
Đứng trước thực trạng ấy, với vai trò là học sinh trường THCS – THPT Lê Lợi, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức về tác hại của thuốc lá, chủ động trang bị cho bản thân các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Sử dụng những biện pháp giải tỏa áp lực, căng thẳng một cách tích cực như tâm sự, chia sẻ cũng người thân, bạn bè hay nghe những bản nhạc vui tươi hoặc tập cho bản thân thói quen viết những trang nhật kí,… Đồng thời, vận động bạn bè, người thân nói không với tàn trữ và sử dụng thuốc lá để góp phần bảo vệ môi trường và của chính bản thân và những người xung quanh.