Thực tế cho thấy, hiện nay đa số mọi người cũng như mọi nhà đều có kết nối Internet, tự mua sắm máy vi tính hay điện thoại thông minh nên hình thức chơi game online cũng có nhiều thay đổi, không còn nhiều người đến các tiệm game để chơi game online. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại các tiệm game từ nông thôn đến thành thị vẫn có không ít người, đa phần là học sinh, sinh viên đến chơi game online. Nhiều tiệm game còn có đủ các món mì, phở, bánh ngọt, nước ngọt,… phục vụ các “game thủ” trong cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Trong đó, việc nhiều học sinh, sinh viên bị nghiện game online dẫn đến bỏ bê việc học hành đang trở thành thực trạng đáng báo động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game online đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên nhưng nguyên nhân chính không ai khác là các bậc phụ huynh. Với sự phổ biến của mạng Internet và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu như gia đình nào cũng có máy vi tính hay vài chiếc điện thoại thông minh. Nhiều gia đình sắm điện thoại thông minh cho con để tiện liên lạc, học tập. Nhiều phụ huynh viện lý do bận làm ăn nên để con tự do làm bạn với máy vi tính hay điện thoại, không có sự kiểm soát về giờ giấc cũng như mục đích sử dụng. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trẻ nghiện game online vượt tầm kiểm soát của ba mẹ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do các em thiếu không gian vui chơi giải trí, không được quan tâm chơi đùa, cùng chia sẻ nên đến với game online để tìm niềm vui và nghiện lúc nào không hay biết.
Không những vậy, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội có lúc còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh bỏ học cả tuần ngồi tại các tiệm game nhưng nhiều trường học không báo về cho gia đình khiến nhiều phụ huynh không biết để giáo dục và quản lý. Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên sống xa gia đình, ở trọ không có người giám sát cũng là điều kiện khiến các em sa đà vào cuộc sống ảo trên mạng hay game online.
Theo thống kê của một số chuyên gia tâm lý, những học sinh chơi game/nghiện game thường có kỹ năng xã hội kém, ít thời gian tương tác với gia đình, công việc, ít tham gia các trò giải trí lành mạnh khác; xếp thứ hạng thấp trong lớp về học tập, khả năng đọc kém hơn các bạn cùng lứa tuổi, dễ béo phì, thừa cân,… Các em này thường tìm đến game sau khi gặp thất bại, rắc rối trong cuộc sống, tự ti, rụt rè. Các em thấy thoải mái hơn khi tán gẫu trên thế giới ảo, vui khi có được những “chiến công”, có những vị trí quan trọng trên thế giới ảo. Nhưng thỏa mãn bản thân theo cách này dần dần sẽ dẫn đến những hậu quả lớn. Đã có trường hợp chơi game liên tục 50 giờ và đánh đổi bằng tính mạng. Khi đang chơi và đang thắng, thần kinh tiết ra chất dopamine làm cho người chơi hưng phấn, giống như một dạng “thuốc giảm đau” nên sẽ không cảm nhận được sự bất ổn của cơ thể. Cho đến khi cơn hưng phấn qua đi cơ thể mới kiệt sức.
Nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến béo phì, thậm chí vô sinh. Tác hại về tinh thần thì vô cùng khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, bồn chồn, khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi do cảm giác chiến thắng ảo. Tác hại của game thậm chí còn nguy hiểm hơn cả ma túy. Ai dùng ma túy thì ngay lập tức nhìn thấy hậu quả, nhưng game thì khác, đến thời điểm mà xác định nghiện game thì gần như không còn đường lùi. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, ăn thua, cay cú, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên hết cả bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè. Nguy hiểm hơn là hành vi thẳng tay làm hại đến tính mạng người thân của mình để có đủ tiền chơi một ván game.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi hiểu được lý do lôi cuốn nhiều đứa trẻ vào game thì bố mẹ, thầy cô mới có thể can thiệp và hỗ trợ có hiệu quả. Bởi việc ra lệnh cấm đối với những học sinh đã ham mê quá mức, có biểu hiện nghiện game là không có tác dụng. “Khi bị cấm đột ngột, những người nghiện game sẽ có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt, bị kích động giận dữ, mất kiểm soát cảm xúc, thậm chí hành động điên rồ dẫn tới hành vi bạo lực với người khác hoặc gây tổn thương cho mình”, theo một bác sĩ ở Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Giải pháp hiệu quả là cha mẹ cùng trẻ lập kế hoạch “cai nghiện game” dần thay thế game bằng các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh cùng gia đình, xây dựng kế hoạch, khích lệ để trẻ có được những thành công nhỏ nhất trong cuộc sống thật... Biến game thành các hoạt động học tập có mục đích lành mạnh cũng là một giải pháp được các chuyên gia đề cập đến. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thời gian sử dụng Internet, thiết bị chơi game, giám sát thời gian sinh hoạt trong ngày của trẻ. Từ kiểm soát “cứng”, cha mẹ có thể dần dần chuyển sang khuyến khích sự tự giác của trẻ, tuy nhiên việc này cần một quá trình.
Song song đó, về phía nhà trường cần thường xuyên tổ chức và khuyến khích sự tham gia của các em học sinh vào các buổi chuyên đề giáo dục về ý thức sử dụng Internet hợp lí hay giải trí bằng game sao cho hiệu quả, hoặc các hệ lụy của nghiện game online,… để góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các em trong vấn đề chơi game online.
Có thể nói, bản thân game online không có gì xấu nếu người chơi biết kiềm chế bản thân và xem đó như một kênh để giải trí, giảm stress. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang lạm dụng game online để giết thời gian. Từ đó, game online trở thành một loại “ma túy” gây nghiện đang len lỏi qua từng chiếc điện thoại thông minh hay máy vi tính trong đời sống xã hội hiện nay. Sức mê hoặc của nó là quá lớn khiến số người nghiện game online tăng nhanh và để lại những hệ lụy đáng tiếc.
Chính vì thế, mỗi học sinh trường THCS – THPT Lê Lợi cần ý thức đầy đủ về giá trị của bản thân, chủ động, tự giác điều chỉnh thời gian giải trí bằng game online sao cho phù hợp, mang lại lợi ích cho chính bản thân mình; cần đầu tư học tập, tư duy về xu hướng nghề nghiệp, tạo ra giá trị cho xã hội, giá trị trong nhân cách sống của mình thay vì cứ hoài phí thời gian cho những điều vô nghĩa. Đồng thời cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp chế tài phù hợp để ngăn chặn tình trạng nghiện game đang có xu hướng tăng cao trong giới trẻ.