Tìm kiếm

111 Nguyễn Hội, Phan Thiết, Bình Thuận Hotline: 1900633377 - 0989120420
Media/30_TH1041/Images/129f03bf5-4-e.jpg

“Muốn sang phải bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Không phải tự nhiên mà câu ca dao này được lan truyền từ đời này sang đời khác. Cũng không phải tự nhiên cha ông ta thường nhắc nhở con cháu rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”;  “Không thầy đố mày làm nên”. Đến khi công thành danh toại người ta vẫn nhắc nhau: “Mười năm đèn sách luyện rèn, công danh gặp bước chớ quên người thầy.”

Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, nhà giáo xếp sau vua nhưng trước cha mẹ:  “Quân – Sư – Phụ”. Với vinh dự và trọng trách ấy, nhiều nhà giáo đã làm rạng rỡ non sông đất nước như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến của chúng ta.

Dưới chế độ mới, nhà giáo được vinh danh “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Lớp lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.

 

Media/30_TH1041/Images/212992bf4-2-e.jpg

 

Tuy nhiên, do đất nước trải qua chiến tranh, qua nhiều thời kỳ với nhiều khó khăn, thử thách, nhà giáo Việt Nam cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Thời bao cấp, cũng như các nghề khác, nhà giáo không thể sống được bằng nghề, phải làm thêm nhiều công việc khác không liên quan gì đến dạy học để kiếm sống. Xã hội không mặn mà với sự học, sinh viên  thi vào trường sư phạm chỉ là “chuột chạy cùng sào”. Nền kinh tế khủng hoảng kéo theo đạo học suy vi, nhiều nhà giáo bỏ dạy về nhà nuôi heo, gà; vá xe đạp; đạp xích lô… Hình ảnh người thầy có phần bị mai một.

Nhưng trong giai đoạn mới hiện nay, truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc được coi là một nền tảng để xây dựng nền giáo dục mới, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, giữ được bản sắc dân tộc vừa để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Ngành giáo dục luôn được nhà nước quan tâm đầu tư và vai trò của người thầy cùng các thầy/cô giáo trong nhà trường luôn được đánh giá cao. Ở giai đoạn này vai trò của nghề dạy học là nghề trồng người để phục vụ lợi ích lâu dài. Vai trò của người thầy tuy có thay đổi ít nhiều từ người truyền đạt trí thức chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm đường đến với trí thức nhưng vai trò của người thầy đối với học trò cũng không hề suy giảm, trò vẫn kính trọng thầy và thầy vẫn luôn thương yêu trò như những đứa con thân yêu.

 

Media/30_TH1041/Images/3439e4765-8-e.jpg

 

Người giáo viên có trách nhiệm truyền đạt lại cho thế hệ trẻ hệ thống trí thức khoa học, kỹ năng lao động nghề nghiệp, truyền đạt cho lớp trẻ các giá trị lý tưởng đạo đức chân chính, những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, đào tạo họ trở thành những người có ích cho đất nước. Không những vậy, những nhà giáo trong giai đoạn hiện nay còn truyền đạt cho học sinh những thế giới trực quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp năng lượng sáng tạo cả một người công dân. Ngoài ra, giáo viên phải giáo dục cho học sinh về tâm hồn, về đạo lý về công lý thông qua việc “dạy chữ” để “dạy người”. Giáo viên phải giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình. Chính vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn vẹn nguyên giá trị về sự kính trọng người thầy, coi trọng sự học.

 

Media/30_TH1041/Images/4c3da417f-e-e.jpg

 

Tuy nhiên, việc kính yêu, biết ơn thầy cô giáo ngày nay cũng có phần thay đổi so với xưa kia. Khoảng cách giữa thầy và trò đã gần gũi, thân thiện hơn, không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa. Những quy định về lễ nghĩa giúp học trò có thể thể hiện sự kính trọng thầy cô bằng nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh đó, khi những giá trị kinh tế thị trường và mặt trái của công cuộc mở cửa tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, đạo lý thầy – trò đã và đang có nhiều biểu hiện suy yếu đáng báo động. Một bộ phận giáo viên chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có những vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và cả đạo thầy-trò.

Media/30_TH1041/Images/58ddec94a-c-e.jpg

 

Ngoài ra, do “bệnh thành tích”, không ít học sinh, sinh viên lười biếng học hành, không quý trọng tri thức văn hóa-khoa học; nhiều học sinh, sinh viên có lối sống thực dụng thấp kém, quậy phá trong trường và ngoài xã hội, coi thường lễ nghĩa và cả hành hung thầy, cô. Tình trạng này cần được sự can thiệp mạnh mẽ của các nhà quản lý, của nhà trường, gia đình và cả toàn xã hội nhằm bồi đắp đạo lý thầy-trò và phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện.

Mặc dù thế những hiện tượng nêu trên chỉ là cá biệt. Và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai về sau vẫn là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, là thước đo của sự phát triển bền vững của văn hóa Việt.

 

Media/30_TH1041/Images/67a14167d-4-e.jpg
 

Là nhà giáo dù giảng dạy ở cấp học nào thì cũng đã từng là học trò trước khi bước lên bục giảng. Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. “Trọng thầy mới được làm thầy”. Nếu để mất đi sự kính trọng đó thì phải tự trách mình trước. Chính vì lẽ đó, với mỗi học sinh trường THCS – THPT Lê Lợi phải luôn thể hiện thái độ tôn trọng, kính mến thầy/cô đúng mực. Đồng thời hãy luôn lưu dấu khoảng thời gian đẹp nhất với những kỉ niệm đáng trân trọng bên bạn bè, thầy/cô nhằm tạo nên một hồi ức thanh xuân đáng nhớ và góp phần xây dựng văn hóa học đường văn minh, thân thiện.

Kính chúc Thầy Cô trường Lê Lợi luôn luôn vui khỏe

và thành công trong sự nghiệp trồng người

 

Media/30_TH1041/Images/76e23d0a4-2-e.jpg