Tìm kiếm

111 Nguyễn Hội, Phan Thiết, Bình Thuận Hotline: 1900633377 - 0989120420

Cảm xúc của cá nhân là một động lực cơ bản thôi thúc con người học tập, làm việc. Cảm xúc có thể đem lại cho cá nhân những ý tưởng, những lựa chọn đầy sáng tạo. Cảm xúc có tính hai mặt, một mặt cảm xúc là động lực thúc đẩy cá nhân hoạt đông học tập, làm việc có hiệu quả. Mặt khác nếu không được quản lí và định hướng đúng đắn cảm xúc sẽ làm lệch hướng, thậm chí phá hủy nhận thức và hành động của cá nhân, dẫn đến việc nhận thức và hành động của cá nhân trở nên “mù quáng” và sai lầm. Vì vậy quản lí và định hướng cảm xúc để trở thành động lực tích cực là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động học tập và làm việc hiệu quả.

Media/30_TH1041/Images/419d15ed31-9-e.jpg

Thực tế cho thấy, những người hiểu được cảm xúc của mình, nắm bắt được và làm chủ được chúng, đoán được những cảm xúc của người khác và biết hòa hợp với họ một cách hữu hiệu là những người có lợi thế trong tất cả các lĩnh vực của cuộc đời để thành công và hạnh phúc. Ngược lại, những người không kiểm soát được đời sống cảm xúc của mình sẽ thường xuyên phải chịu những xung đột nội tâm, từ đó năng lực tập trung chú ý và tư duy sẽ bị phá vỡ và điều này chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động học tập, làm việc cũng như trong cuộc sống của họ.

Cuộc sống này muôn màu, muôn sắc, ai cũng có những sắc thái biểu cảm khác nhau khi đối diện với việc xảy ra một vấn đề nào đó. Cảm xúc cũng vậy, có lúc vui, rất vui, có lúc buồn, rất buồn nhưng có lúc lại lo lắng, sợ hãi hoặc cũng có thể giận dữ tột cùng. Vậy chúng ta phải làm gì để ứng phó với những cảm xúc bất chợt đó mà không gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh?

Media/30_TH1041/Images/420dc92027-a-e.png
 

Với những cảm xúc có cường độ yếu như vui, buồn thì việc quản lí có vẻ dễ chịu hơn đôi chút. Nhưng đối với những cảm xúc có cường độ mạnh như sợ hãi, giận dữ thì việc kiểm soát nó không phải ai cũng làm được. Như vậy, không phải ai cũng kiểm soát, quản lí được cảm xúc của mình, không phải ai cũng có cách ứng xử phù hợp khi gặp vấn đề khó khăn. Đặc biệt là đối với học sinh THCS – THPT, bởi đây là độ tuổi mà tâm sinh lý đang có sự thay đổi rõ rệt do sự giao thoa của sự phát triển, sự chuyển giao giữa một đứa trẻ sang một con người dần trưởng thành. Ở độ tuổi này, các em thường có những cảm xúc nông nổi bất chợt, sự mong muốn vươn lên làm người lớn đối nghịch với khả năng của bản thân luôn kiềm hãm hành động của các em và gây ra những cảm xúc khó chịu tiềm ẩn trong các em. Bên cạnh đó, những tác động mang tính cấm cản từ phía gia đình, sự lôi kéo của những nhóm bạn không lành mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc không tích cực cho các em. Song song đó, việc tiếp xúc với những hình ảnh, clip mang tính bạo lực tràn lan trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những cảm xúc và hành vi lệch lạc, tiêu cực ở lứa tuổi học sinh THCS – THPT. Bởi vì chính các em cũng không thể nào kiềm chế ngay lúc đó hoặc quản lí nó một cách tốt nhất. Và vì các em học sinh không thể kiểm soát, không quản lí được cảm xúc của bản thân lúc tức giận nên không ít những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra như các em sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn đến mức phải nhập viện thậm chí thiệt mạng. Hay bản thân có những suy nghĩ tiêu cực ngày càng nhiều mà bản thân không biết cách giải tỏa cũng là tác nhân dẫn đến cảm xúc mỗi lúc mỗi leo thang và rồi hành vi hủy hoại bản thân đã diễn ra như rạch tay, rạch chân, uống thuốc ngủ quá liều và kể cả nhảy lầu để tự tử,… Vì vậy, rèn luyện kỹ năng quản lí cảm xúc cho học sinh THCS – THPT là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng nhằm giúp các em hiểu hơn cảm xúc là gì, cảm xúc giận dữ, tuyệt vọng là gì, và làm sao để có cách ứng xử đúng khi cảm xúc giận dữ, nỗi tuyệt vọng đang lấn át mình?

Media/30_TH1041/Images/443da1b6a1-8-e.jpg

Trước hết hãy học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân bằng việc điều chỉnh các hành vi của cơ thể như thả lỏng người, hít thở sâu (giúp tâm trạng dịu đi), thay đổi tư thế ngồi, tư thế đứng sao cho bản thân thoải mái hơn. Tiếp đó hãy học cách kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ, nghĩa là có khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân bằng suy nghĩ, tư duy tích cực. Một ví dụ đơn giản là khi một bạn học sinh bị thầy giáo la mắng và bắt làm lại tất cả các bài tập đã tốn công hoàn thành trước đó. Chắc chắn cảm xúc chi phối bạn học sinh lúc này đó là bực bội, uất ức, khó chịu,…Thế nhưng nếu suy nghĩ một cách tích cực hơn, đó có thể là cơ hội để bạn ấy có thêm thời gian rà soát, điều chỉnh lại các bài tập của mình. Nhờ đó mà bạn học sinh ấy có thể ghi nhớ công thức dễ dàng và các kỹ năng giải bài tập cũng sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Đồng thời, người thầy giáo cũng từ đó mà đánh giá bạn học sinh ấy cao hơn. Kế tiếp, hãy học cách điều chỉnh cảm xúc bằng ngôn từ. Sử dụng ngôn từ để điều khiển cảm xúc không chỉ hữu ích với chúng ta mà còn giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc của cả những người trong cuộc giao tiếp. Ví dụ khi bạn và bạn cùng lớp của mình đang có một cuộc tranh luận “nảy lửa” do hai bên bất đồng ý kiến. Bạn cảm thấy ý kiến của người bạn đó không phù hợp, không khả thi. Thay vì thẳng thừng chê bai ý kiến của bạn mình là “quá tồi, quá tệ hại hay chẳng có gì sáng tạo,…” thì chắc chắn rằng sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực cho đối phương. Chính vì lẽ đó, tốt hơn cả là nên thay thế bằng cách nói dễ nghe hơn như “ý kiến của bạn không tệ chút nào” hoặc “mình thích điểm này ở ý tưởng của bạn nhưng có những điểm này chưa phù hợp lắm thì phải”,… Có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vì thế thay vì phát ra những câu từ khó nghe, làm tổn thương đến người khác thì tốt nhất chúng ta nên chọn cách diễn đạt dễ chịu hơn, hòa nhã hơn.

Media/30_TH1041/Images/43dec76b2a-9-e.jpg


Tiếp theo, hãy kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin.

  • Thứ nhất, hãy tập cách không lảng tránh ánh mắt của người đối diện, hãy can đảm nhìn trực diện vào mắt người đối diện khi trò chuyện, đừng ngó lơ cũng đừng lảng tránh.
  • Thứ hai, biến nỗi sợ hãi thành hành động, hãy vượt qua sự sợ hãi và đứng lên hành động, từ lần này qua lần khác chắc chắn rồi chúng ta sẽ thành công.
  • Thứ ba, dấn thân, hãy can đảm thử sức mình ở mọi lĩnh vực, ở mọi môi trường và mọi tình huống, hãy tự tin khám phá bản thân mình thay vì lo sợ những điều mới lạ.
  • Thứ tư, hãy chọn những mục tiêu có tính khả thi, đừng chọn những mục tiêu có tính viễn vông, điều này sẽ khiến chúng ta phải thường xuyên đối mặt với sự thất vọng.

Cuối cùng là hãy học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Cụ thể là loại bỏ văn hóa đổ lỗi, tuyệt đối không bào chữa, hãy tự tin và can đảm nhận sai lầm, không so đo thiệt hơn. Và sau cùng, chúng ta có thể gia tăng cảm xúc tích cực bằng cách vứt ngay những lời phàn nàn, bỏ ngay những lời chỉ trích và gia tăng lời khen. Chúng ta càng khen người khác như thế nào thì chắc chắn cảm xúc của chúng ta cũng sẽ trở nên tích cực như thế ấy.

Tóm lại, rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc là một trong những việc rất khó. Chính vì lẽ đó, học sinh trường THCS – THPT nói riêng và toàn thể các em học sinh thuộc khối THCS – THPT nói chung cần cố gắng và kiên nhẫn luyện tập từng bước; tích cực tham gia các hoạt động, chuyên đề ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống. Bởi chúng ta chỉ có thể thành công khi chúng ta học được cách kiểm soát cảm xúc. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cuộc sống này luôn tồn tại những điều tích cực khi chúng ta kiểm soát được cảm xúc của chính mình, và chính những điều tích cực đó sẽ giúp chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc hơn.