Tìm kiếm

111 Nguyễn Hội, Phan Thiết, Bình Thuận Hotline: 1900633377 - 0989120420

Làm việc theo nhóm là một hoạt động không còn xa lạ với học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt khi lên Đại học, hình thức làm việc theo nhóm càng phổ biến hơn với những bài thảo luận, thuyết trình. Vậy làm việc nhóm là gì?

Media/30_TH1041/Images/452679d392-6-e.png

Hiểu một cách đơn giản làm việc nhóm là nhiều người cùng nhau kết hợp để thực hiện tốt một nhiệm vụ hướng tới một mục tiêu chung. Một nhóm có thể hình thành theo nhiều cách khác nhau: nhóm bạn học tập hình thành do sự chỉ định của thầy cô, nhóm sở thích hình thành do cùng đam mê với bạn bè,…

Ngày nay, trong hoạt động học tập, ngoài việc tiếp thu kiến thức một cách độc lập, học sinh các khối từ Tiểu học đến THCS – THPT còn được nâng cao khả năng tương tác và thể hiện năng lực bản thân thông qua hoạt động làm việc nhóm. Qua hoạt động này, học sinh còn được rèn luyện các năng lực xã hội như năng lực lãnh đạo, đưa ra quyết định, xây dựng lòng tin, xử lý xung đột, cổ vũ, động viên… Từ đó, các em trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên làm thế nào để hoạt động nhóm luôn mang lại hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Vì vậy mỗi chúng ta đều phải trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để làm việc nhóm hiệu quả.

Media/30_TH1041/Images/4608dd7057-d-e.jpg

Thứ nhất, là việc thành lập nhóm

Ngoại trừ việc được thầy cô sắp đặt sẵn thành viên trong nhóm, nếu được tự do trong việc lập nhóm, hãy chọn các thành viên có cùng chí hướng thực hiện một vấn đề nào đó với nhau, những thành viên có cùng điều kiện về hoạt động (thời gian, vị trí...), các thành viên nghiêm túc trong học tập, có ý thức xây dựng nhóm,… Số lượng thành viên của mỗi nhóm trong khoảng 5 đến 8 thành viên, với số lượng này nhóm sẽ hoạt động đạt hiệu quả hơn.
Thứ hai, là việc bầu trưởng nhóm
Trưởng nhóm có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành một nhóm hoạt động tốt hay không. Cũng giống như đầu tàu, người trưởng nhóm cần có tố chất lãnh đạo, có uy tín và tính nghiêm túc trong học tập. Trưởng nhóm cũng cần là người có khả năng đánh giá, tổng hợp một vấn đề, có khả năng giao tiếp tốt, tạo được mối quan hệ thân thiện với các thành viên trong nhóm.

Media/30_TH1041/Images/4718939fc3-5-e.jpg

Thứ ba, là kỹ năng xây dựng mục tiêu chung cho nhóm

Sau khi hình thành được nhóm, nhóm cần đề ra mục tiêu chung để cùng nhau xây dựng nhóm, hướng tới mục tiêu. Chẳng hạn như hoàn thành được đề tài nghiên cứu hay thực hiện biên soạn và tiến hành thuyết trình về một đề tài mà giáo viên đã phân công. Ở kỹ năng này, các thành viên cần chủ động cùng nhau họp bàn và chia nhỏ mục tiêu để cùng phân công thực hiện. Sau khi hoàn thành mục tiêu này thì tiến hành thực hiện và hoàn thành mục tiêu kế tiếp cho đến khi hoàn thành mục tiêu lớn thì kết quả sẽ khả quan hơn, đồng thời còn tiết kiệm được thời gian.

Media/30_TH1041/Images/486641cb67-8-e.png

Thứ tư, là tổ chức – phân công công việc

Các thành viên trong nhóm đều phải được phân công công việc rõ ràng, rành mạch và có ý thức hoàn thành công việc được giao, xây dựng nhóm vì mục tiêu chung. Cùng trao đổi để phân công công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm, phân chia khối lượng công việc đồng đều giữa các thành viên và đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ.

Media/30_TH1041/Images/4994a8210b-b-e.jpg

Thứ năm, là chất vấn, thuyết phục, trình bày

Khi đã có 1 thời gian để hoàn thành công việc được giao, hãy mạnh dạn trình bày ý kiến, hiểu biết của bạn, chia sẻ những kiến thức bạn có để cùng nhau đưa ra phương pháp phù hợp nhất để giải quyết vấn đề.

Thứ sáu, là tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau

Làm việc nhóm khác với làm việc độc lập ở chỗ, tất cả các thành viên đều phải biết trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau trong công việc. Nếu thành viên nhóm gặp khó khăn thì tất cả các thành viên trong nhóm cần sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Việc làm này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau. Một nhóm đoàn kết sẽ mang lại hiệu quả công việc hơn hẳn so với những nhóm còn lại. 

Media/30_TH1041/Images/50109590c0-e-e.jpg
 

Tại trường THCS & THPT Lê Lợi, trong mỗi tiết học, giáo viên thường có hoạt động nhóm cho lớp, giúp các bạn cùng học hỏi nhau, hỗ trợ nhau trong học tập. Dạy học theo nhóm là hình thức giảng dạy đặt học sinh vào môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh được tổ chức thành nhóm một cách thích hợp. Đối với học sinh, việc rèn cho các em các kỹ năng học hợp tác nhóm là hết sức cần thiết, tạo điều kiện để các em có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh.

Làm việc nhóm không hề khó, nhưng làm thế nào giúp mọi người phát huy thế mạnh của từng cá nhân để đóng góp hiệu quả nhất cho hoạt động học tập, làm việc lại là điều không phải ai cũng làm được. Chính vì lẽ đó, mỗi học sinh trường THCS & THPT Lê Lợi nói riêng và mỗi học sinh của các trường nói chung cần chủ động tìm hiểu, trang bị những kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Để từ đó, các em có thể ứng dụng và đạt được hiệu quả cao khi hoạt động làm việc nhóm nhằm hỗ trợ tích cực cho việc học tập cũng như trau dồi kỹ năng giao tiếp, giúp các em sở hữu được những viên gạch đầu tiên trên chặng đường xây dựng tòa lâu đài mang tên thành công.