Mạng xã hội – thế giới thứ hai của đông đảo học sinh - sinh viên thời nay. Nơi mà các em có thể chia sẻ mọi thông tin cá nhân hay tâm sự những nỗi niềm thầm kín. Bên cạnh đó, thế giới ảo này cũng đầy rẫy những cám dỗ, nguy hiểm nếu bản thân người dùng sử dụng không đúng cách.
Theo kết quả tại một khảo sát của Bộ GD & ĐT năm 2018, có 92,5% sinh viên và 84,5% học sinh cấp trung học thường xuyên sử dụng mạng xã hội (MXH) Facebook; ngoài ra còn sử dụng thêm một số ứng dụng MXH khác như Zalo, Yahoo, Youtube, Zingme... Trong đó, có 26% HSSV sử dụng dưới 1 giờ/ngày, 40% HSSV sử dụng từ 1 giờ đến 3 giờ/ngày và 34% HSSV sử dụng hơn 3 giờ/ngày. 45% HSSV thường truy cập MXH Facebook bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay (điện thoại, laptop), 12% HSSV truy cập MXH Facebook bất cứ lúc nào nhận được thông báo mới.
Vậy làm thế nào để định hướng cho các em học sinh – sinh viên cách sử dụng mạng xã hội hợp lí? Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên, mỗi chúng ta cần nhìn nhận tính hai mặt của mạng xã hội.
Trước hết, lợi ích mà việc sử dụng mạng xã hội mang lại là:
Thứ nhất, giới thiệu bản thân mình với mọi người: chúng ta có thể giới thiệu tính cách, sở thích, quan điểm của bản thân trên mạng xã hội và nó có thể giúp chúng ta tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của bản thân.
Thứ hai, kết nối bạn bè: chúng ta có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè hoặc người thân bằng cách kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta cũng có thể gặp gỡ và giao lưu kết bạn với tất cả mọi người trên thế giới có cùng sở thích hay quan điểm giống mình. Từ đó có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, học hỏi lẫn nhau hoặc hợp tác với nhau về nhiều mặt.
Thứ ba, học tập mọi lúc, mọi nơi: học sinh hoặc sinh viên có thể trao đổi thông tin học tập, thông báo lịch học, trao đổi bài, hay chia sẻ cho nhau những phần kiến thức bổ ích, các trang web và những đường link phục vụ công việc học tập, tra cứu thông tin,…
Thứ tư, tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng: việc cập nhật thông tin trong một xã hội hiện đại như hiện nay là điều nên làm và cần phải làm, nó giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng. Học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, trau dồi những kĩ năng giúp cho học sinh – sinh viên hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
Thứ sáu, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân: trải qua rất nhiều hoạt động căng thẳng trong cuộc sống, mỗi con người cần bày tỏ và cần nhận được sự sẻ chia để chúng ta cảm thấy thoải mái hơn. Thế nhưng việc chia sẻ vấn đề của mình ngoài đời thực đôi khi trở nên khó khăn với một số người ít nói. Chính vì thế việc viết ra những suy nghĩ của mình qua bàn phím máy tính sẽ giúp chúng ta giải tỏa được phần nào áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.
Song song với lợi ích, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những mối hiểm nguy đe dọa đến lợi ích, sức khỏe, sự an toàn và cả tính mạng con người như:
Thứ nhất, giảm tương tác giữa người với người: nghiện mạng xã hội không chỉ khiến chúng ta dành ít thời gian cho người thật việc thật ở quanh mình, mà còn khiến họ buồn phiền khi chúng ta coi trọng bạn bè “ảo” từ những mối quan hệ ảo hơn những gì ở trước mắt. Dần dần, các mối quan hệ sẽ bị rạn nứt và sẽ chẳng ai còn muốn gặp mặt nhau nữa.
Thứ hai, lãng phí thời gian và xao lãng mục tiêu thực của cá nhân: quá chú tâm vào mạng xã hội dễ dàng làm người ta quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống. Thay vì chú tâm vào học tập, nghiên cứu, rèn luyện bản thân, các bạn học sinh – sinh viên lại chỉ chăm chú để trở thành nhân vật nổi tiếng trên mạng mà. Ngoài ra, việc đăng tải những thông tin nhằm câu like không còn là chuyện xa lạ, song nó thực sự khiến người khác phát bực nếu dùng quá thường xuyên. Mạng xã hội cũng góp phần tăng sự ganh đua, sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để tìm like và nó sẽ cướp đi đáng kể quãng thời gian mà lẽ ra học sinh – sinh viên nên sử dụng cho việc học tập, rèn luyện bản thân. Đặc biệt MXH là nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, các nghiên cứu gần đây cho thấy những ai sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực hơn, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những ai mắc bệnh trầm cảm từ trước…
Thứ tư, thường xuyên so sánh bản thân với người khác: những gì người ta khoe khoang trên mạng không hẳn là con người thật của họ, và việc thường xuyên so sánh những thành tựu của mình với bạn bè trên mạng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến tinh thần: cảm thấy thua thiệt bạn bè, cảm thấy bản thân thất bại, cảm thấy mình thật bất hạnh,… các cảm xúc tiêu cực này nếu kéo dài trong thời gian sẽ dễ dẫn đến trạng thái u uất, trầm cảm, thậm chí còn nảy sinh những hành vi lệch lạc với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thứ năm, thiếu riêng tư: đã có nhiều thông tin cho rằng các trang mạng xã hội bán thông tin cá nhân của người sử dụng, lại thêm nhiều nguy cơ từ hacker, virus. Những điều này đều cảnh báo rằng sự riêng tư cá nhân đang dần mất đi trong khi mạng xã hội càng phát triển.
Thứ sáu, hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi: các vụ việc lừa đảo trên mạng xã hôi đã không còn quá xa lạ đối với đại bộ phận người dân chúng ta. Đặc biệt là lứa tuổi học sinh – sinh viên, những cô, cậu có nhận thức còn non trẻ dễ bị những kẻ gian dụ dỗ qua những hình ảnh, thông tin hào nhoáng trên mạng xã hôi dẫn đến những hậu quả khó lường về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại lẫn những người thân, gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, các trào lưu cũng không kém phần nguy hiểm như “Thử thách cá voi xanh”, “Thử thách George Floyd” đã đe dọa tính mạng thậm chí là cướp đi sinh mạng của không ít người, mà phần lớn lại là các đối tượng học sinh – sinh viên.
Đứng trước tác hại của mạng xã hội, về phía nhà trường cần tổ chức những chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn các em về cách sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn và tận dụng hết những tác dụng vốn có của nó. Đồng thời, trang bị những kiến thức, kỹ năng để giữ khoảng cách an toàn với những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh nên dành thời gian để quan tâm, trò chuyện, tâm sự nhiều với con trẻ để hiểu và đồng cảm cùng con. Từ đó, định hướng được sự phát triển an toàn cho con cái, tránh được những cám dỗ, nguy hiểm mà mạng xã hội để lại.
Đối với bản thân học sinh – sinh viên nói chung và học sinh trường THCS – THPT Lê Lợi nói riêng, các em cần chủ động trong việc tìm hiểu về mạng xã hội, tích cực tham các tiết học, các chuyên đề kỹ năng sử dụng mạng xã hội hợp lí do Đoàn trường tổ chức nhằm trang bị cho mình những hiểu biết đúng đắn về tính hai mặt của mạng xã hội. Từ đó, hình thành ý thức sử dụng mạng xã hôi đúng cách: sử dụng khi cần tra cứu thông tin, trao đổi cùng bạn bè/thầy/cô/người thân hoặc gia đình; thường xuyên chia sẻ những cảm xúc tích cực, những câu chuyện tạo động lực nhằm xây dựng hình ảnh bản thân lạc quan; kết bạn, giao lưu có chọn lọc; không đăng tải hoặc chia sẻ những thông tin không được xác minh hay không có nguồn gốc rõ ràng; không gia nhập các hội/nhóm khi chưa tìm hiểu kĩ các thông tin về hội/nhóm đó; không chia sẻ những thông tin, hình ảnh cá nhân một cách quá tiêu cực/phản cảm để tránh sự chú ý của những đối tượng lừa đảo,… Nhằm hạn chế tối đa những hậu quả mà mạng xã hội để lại, góp phần xây dựng lối sống an toàn - văn minh.