Văn hóa học đường – một trong những môi trường quan trọng để giáo dục và rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ - những người có lí tưởng, ước mơ, hoài bão tốt đẹp. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng văn hóa học đường cần được coi trọng và quan tâm sâu sắc trong từng trường học. Bởi lẽ, nếu môi trường thiếu văn hóa thì không thể giáo dục hay truyền đạt được những kiến thức, kỹ năng nhân văn cho thế hệ trẻ.
Trường học, nơi đào tạo ra những lớp người tri thức đủ phẩm chất và trí lực để phục vụ xã hội. Một ngôi trường có nền giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để rèn đức, luyện tài, trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng để thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt vừa có đức vừa tài. Chính vì thế, trong môi trường này, học sinh cần hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với thầy/cô, bạn bè và các mối quan hệ khác. Vậy thực trạng văn hóa trường học hiện nay như thế nào?
Chúng ta có thể thấy rằng, phần lớn các em học sinh – sinh viên trong các trường học hiện nay đều có vốn kiến thức sâu rộng, nhanh nhạy trong vấn đề nắm bắt các thông tin, có tinh thần cầu thị trong học tập và rèn luyện. Đồng thời, khả năng ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn tương đối cao; biết quý trọng thầy/cô, đoàn kết, yêu thương bạn bè; không ngừng nổ lực vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Thế nhưng bên cạnh đó, có một bộ phận không hề nhỏ những bạn học sinh – sinh viên có thái độ, hành vi xứng xử được cho là thiếu văn hóa. Nhà tư vấn tâm lý Phạm Thị Thuý cho rằng: “Văn hoá ứng xử học đường Việt Nam đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Quá nhiều hành vi thiếu văn hoá của cả học sinh và giáo viên. Văn hoá học đường đang xuống cấp nghiêm trọng, là sự xuống cấp đáng sợ nhất của một nền giáo dục”.
Xét thấy, nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh. Thực tế cho thấy trong môi trường học đường, nơi văn hoá được coi trọng, được xây dựng và phát huy lại đang diễn ra những điều thiếu văn hoá. Trong môi trường giáo dục, hai mối quan hệ chính là quan hệ giữa thầy và trò và quan hệ giữa các trò với nhau. Trong đó mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ cốt lõi nhất để xây dựng môi trường giáo dục. Theo thống kê của Bộ giáo dục đào tạo, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay cả nước đã xảy ra gần 1600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có các vụ án hình sự ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh các học em sinh mặc đồng phục tuổi từ 10 đến 18 cầm dao, kiếm và cả súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để “xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh cho bõ ghét.
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng yêu đương ngày càng trẻ hóa ở học sinh cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Các quan điểm dần được các em nới lỏng hơn rằng tình yêu là phải đi kèm với tình dục để rồi những hậu quả khó lường liên tiếp xảy ra. Không ít những trường hợp nạo phá thai dẫn đến vô sinh, sức khỏe giảm sút, tổn thương tâm lý,… khi vẫn còn trong độ tuổi dậy thì. Không ít những cô/cậu học sinh đã phải làm cha, làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” do quan niệm quá thoáng trong tình yêu.
Song song đó, văn hóa ứng xử giữa các học sinh với nhau ngày càng mang nhiều màu sắc biến tướng. Thực trạng các em học sinh kết bè, kết phái, tạo thành băng nhóm để tụ tập gây hấn, đánh nhau, thậm chí là cướp giật, thanh toán nhau đã phần nào gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà làm công tác giáo dục, quản lý giáo dục.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghe nhiều về đạo thầy - trò (đạo làm thầy và đạo làm trò). Quan hệ thầy trò xưa kia là mối quan hệ đáng kính và đáng trân trọng. Người xưa có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ cũng là thầy mà dạy nửa chữ cũng là thầy và lấy người thầy làm trung tâm, học trò nhất nhất phải nghe theo, coi thầy là tấm gương để học theo. Mỗi khi muốn hỏi thầy hoặc trao đổi vấn đề gì phải thưa gửi lễ phép đàng hoàng. Đứng trước mặt thầy phải chỉnh tề, nhã nhặn, gặp thầy phải cúi chào từ xa, khoanh hai tay trước ngực khi nào thầy trả lời mới được ngẩng lên. Nhưng ngày nay học trò của chúng ta đã không thể làm đủ lễ nghi với thầy/cô mà họ lại còn xuyên tạc, làm biến tướng các nghi lễ, thiếu sự tôn trọng với thầy/cô, coi thường việc học. Ví dụ như: Cách chào của học trò khi gặp thầy/cô, họ vừa đi thậm chí là chạy ù ù qua thầy cô vừa chào “cô ạ”, “thầy ạ” để tiết kiệm từ và nói cho nhanh hơn nữa học trò chào thầy cô (nếu là cô giáo) “Quạ! Quạ!”, (nếu là thầy) “Thạ! Thạ!” rồi cười hô hố rất phản cảm làm cho giáo viên chẳng thể hiểu học trò chào mình hay chào cái gì?. Sau lưng học trò gọi thầy/cô mình là ông nọ, bà kia tệ hại hơn là gọi bằng đại từ nhân xưng “nó”. Khi làm bài kiểm tra không tốt bị thầy/cô cho điểm kém không vừa ý mình, học trò sẵn sàng lôi bài kiểm tra ra xé trước mặt thầy/cô để tỏ thái độ.
Với tư cách là những học sinh trường THCS – THPT Lê Lợi, mỗi em cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng giao tiếp bằng việc tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động đội nhóm hay các chuyên đề Kỹ năng sống do Đoàn trường tổ chức. Song song đó, các em cũng nên tự giác nhắc nhở bản thân mình luôn bình tĩnh trong các tình huống giao tiếp bất ý để không phản ứng và hành động vượt tầm kiểm soát nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Việc xây dựng được môi trường giáo dục mà ở đó thầy đúng nghĩa là thầy, trò đúng nghĩa là trò, trong môi trường giáo dục đó chỉ có tình yêu thương, sự kính trọng, bao dung biết ơn và hoà hiếu đó là mơ ước của tất cả mọi người. Chính vì lẽ đó, đứng trước thực trạng trên, phía gia đình cần phối hợp cùng nhà trường tích cực đẩy mạnh việc giáo dục cho con em, học trò mình về vấn đề đạo đức, giáo dục những kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn minh nơi trường học nói riêng và lối ứng xử văn hóa, lịch sự trong các mối quan hệ từ người thân đến bạn bè, xã hội, cộng đồng nói chung để góp phần hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ nhằm xây dựng một đất nước giàu mạnh với nguồn nhân lực hoàn thiện cả về trí lực lẫn đạo đức.